Ngày 23 tháng chạp là ngày ông Táo về trời. Vào ngày này, các gia đình Việt luôn chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã để tiễn đưa ông Táo về trời. Vì là phong tục rất quan trọng vào những ngày cuối năm nên gia chủ khi cúng đều rất quan tâm đến những vấn đề kiêng kỵ để không mạo phạm đến thần linh. Cùng xem những lưu ý mà bạn cần tránh cũng như những điều cần làm khi cúng ông Công ông Táo là gì nhé.
>>Xem thêm: Cúng ông Công ông Táo thời điểm nào thích hợp?
- Không cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp
Có một điều cần phải nhớ trong ngày này đó là không cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 bởi sau 12 giờ trưa là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.
Lễ cúng ông Công ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Công ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ vì vậy tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Công ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
- Kiêng dâng cúng các loại thịt này
Về cỗ cúng ông Công ông Táo thì tùy thuộc vào điều kiện, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác. Tuy nhiên, có một số loại thịt cần kiêng không đem cúng như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó...
- Không đặt mâm cúng ở dưới bếp
Nghe thì hơi lạ vì nhiều gia đình nghĩ rằng, ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cỗ cúng và đồ lễ cúng ở bếp là đúng nhất. Tuy vậy các chuyên gia nghiên cứu tâm linh cho rằng, việc đưa ra ý kiến hướng dẫn cúng ông Táo như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc. Tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình. Không đặt bát hương hay bàn thờ ở dưới bếp để cúng các vị thần linh.
- Không cúng tiền âm phủ
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm. Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
- Không cầu xin tài lộc, sung túc
Có rất nhiều người theo thói quen thường cầu xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy vậy, Táo Quân lên thiên đình là để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt của gia đình với Ngọc Hoàng là được.
- Không cúng lễ vật cầu kì
Nên cúng bái phù hợp với điều kiện tài chính, không cần quá cầu kỳ, xa xỉ.
Việc cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ thiêng liêng, chủ yếu là ở sự thành tâm của gia chủ, vì thế lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ, xa xỉ, chỉ cần đầy đủ lễ vật là được. Nếu cúng quá cầu kỳ rất tốn kém, bạn chỉ nên chuẩn bị lễ vật phù hợp với điều kiện của gia đình.
- Không thả cá chép từ trên cao xuống
Cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh chính vì vậy các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem như là hành động mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.
3 điều cần làm khi cúng ông Công ông Táo
- Cúng ông Công ông Táo ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ
Việc cúng ông Công ông Táo sẽ tùy theo tập tục của địa phương. Nhưng theo quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng, sạch sẽ. Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng trang nghiêm hơn.
- Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay.
Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường.
Lễ chay gồm có bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép.
Việc giữ gìn tập tục là điều cần thiết, tuy nhiên, nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép gia chủ có thể đơn giản bằng các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công ông Táo và có thể mua cá bằng giấy hoặc cá thật. Việc cúng bái dù thịnh soạn hay đơn giản thì quan trọng nhất vẫn là tâm thành.
- Tuân thủ các điều này khi cúng ông Công ông Táo
Lau dọn ban thờ sạch sẽ, đồ thờ cần được rửa sạch, bày biện ngay ngắn, thay nước trong cốc cẩn thận. Gia chủ cần ăn mặc kín đáo, sạch sẽ khi cúng để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các quan thần. Khi đọc văn khấn cần phải đọc với thái độ trang nghiêm, giọng đọc to, rõ ràng, rành mạch. Sau khi 2/3 tuần hương đã cháy hết, gia chủ mang lễ vật cúng (tiền vàng, áo mũ, hài) đi hóa và mang cá chép đi thả.
Đưa ông Táo về trời là phong tục tâm linh vô cùng quan trọng của người Việt vào những ngày cuối năm. Đó được xem như là ngày đánh dấu chuẩn bị bước sang một năm mới. Vì vậy mà những lưu ý kiêng kỵ và nên làm khi cúng ông Công ông Táo cần được các gia đình quan tâm đến rất kỹ để giúp khởi đầu một năm mới suôn sẻ hơn.
Tác giả bài viết: Mai Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn