Ý nghĩa Tết Hàn Thực 3/3 âm lịch
Tết Hàn Thực là ngày gì? Tết Hàn Thực là ngày ngày 3/3 âm lịch, nếu dịch theo nghĩa đen thì tức là “ngày ăn đồ ăn lạnh”. Theo truyền thống, trong ngày này người ta không nổi lửa nấu cơm mà chỉ căn thức ăn đã nấu từ hôm trước, thức ăn nguội.
Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo tích Giới Tử Thôi cứu tấn Văn Công nhưng không được đền đáp nên quy về ở ẩn trong núi cùng mẹ. Sau khi vua Tấn lấy lại được uy quyền, nhớ tới ân nghĩa của bề tôi họ Giới, muốn tìm ông để phong chức vị thì ông lại nhất quyết không chịu xuất núi. Trong lúc nóng giận, vua cho đốt núi để buộc hai mẹ con Giới Tử Thôi phải ra ngoài nhưng nào ngờ cả hai ôm nhau chết cháy. Vua hối hận, từ đó lấy ngày Giới Tử Thôi chết, tức 3/3 âm lịch là Tết Hàn Thực, tất cả các nhà kiêng nổi lửa nấu cơm, chỉ ăn đồ lạnh.
Tục này theo chân người Hoa truyền bá rộng rãi khắp châu Á và lan sang tới Việt Nam. Nhưng hầu như tích về Giới Tử Thôi chỉ có ý nghĩa điển cố nhớ lại chứ không thực sự có ý nghĩa với người Việt và Tết Hàn Thực của người Việt. Người Việt không kiêng đốt lửa, vẫn nấu nướng như bình thường và làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên hay thành hoàng làng.
Người Việt coi ngày 3/3 âm lịch cũng giống như những lễ tết khác trong năm, là dịp thờ cúng tổ tiên và tổ chức lễ hội, quây quần con cháu trong nhà. Có năm Tết Hàn Thực rơi đúng vào
Tết Thanh Minh. Người ta cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay, thứ bánh mang hương vị thanh thuần, mềm mượt, đạm đà bản sắc dân tộc. Nếp cái hoa vàng ngon hảo hạng xay nhuyễn thành bột, trộn đều với nước, khéo tay nặn mịn, bao bọc lấy đỗ xanh, đường mật, tạo thành viên bánh giản dị và thơm ngon.
Sự tích bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực của người Việt
Theo lễ của người Việt, Tết Hàn Thực còn nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên cuối xuân. Mâm cúng ngày lễ gồm hương, hoa, trầu cau, 5 trôi 3 chay hay 3 chay 5 trôi. Nhà có ban thờ Phật thì dâng xôi chè, hoa quả, nước sạch lên cùng làm lễ khấn. Bài
văn khấn Tết Hàn Thực được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành một trong những bài văn lễ tại gia quan trọng của người Việt.
Quan trọng hơn cả là trong ngày này, con cháu gia đình sum họp, cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay và thưởng thức. Không khí đầm ấm của ngày lễ tết truyền thống trong lúc làm bánh, thưởng bánh và bữa cơm tạo nên giá trị về văn hóa mà chỉ riêng người Việt mới có.
Ngoài ra, cũng có tích cho rằng, người Việt làm bánh trôi bánh chay là xuất phát từ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm người con. Bánh trôi bánh chay trắng tròn, đều đặn giống như hình tượng của bọc trứng con lạc cháu hồng, con rồng cháu tiên – nguồn gốc của người Việt.
Một tích Việt hóa, giải thích ý nghĩa của việc làm bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực liên quan tới Hai Bà Trưng. Tương truyền, khi Hai Bà Trưng bại trận, chạy về tới Hát Môn. Nơi đây có bà hàng (là hóa thân của Tiên) dâng bánh trôi và bày cách để hai bà gieo mình xuống sông Hát về trời.
Hiện nay, trong những dịp lễ hội quan trọng như Giỗ Tổ Hùng Vương hay ngày lễ Phủ Giày hoặc ngày hội làng, cúng thành hoàng làng vẫn có tục dâng cúng bánh trôi bánh chay, tỏ lòng hiếu kính với bậc tiền nhân. Từ đó có thể thấy, đây đã trở thành loại bánh truyền thống, đậm đà phong vị Việt và ngày Tết Hàn Thực có dấu ấn hoàn chỉnh của người Việt dù tiếp thu từ văn hóa Trung Hoa.
Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về
Tết Hàn Thực là ngày gì và ý nghĩa của nó trong văn hoá người Việt.