Cẩm nang cúng giao thừa Tết 2023: Phong tục, văn khấn, mâm cúng

Thứ ba - 10/01/2023 11:29
Lễ cúng giao thừa là một trong trong những phong tục lâu đời trong văn hóa của người Việt Nam nhằm mục đích bỏ những điều không may mắn trong năm cũ và đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Cùng tìm hiểu về nghi lễ cúng giao thừa để cả nhà sum vầy đón Tết một cách trọn vẹn nhất.
Cẩm nang cúng giao thừa Tết 2023: Phong tục, văn khấn, mâm cúng
Cẩm nang cúng giao thừa Tết 2023: Phong tục, văn khấn, mâm cúng

MÂM CÚNG GIAO THỪA

Nói đến các lễ cúng quan trọng trong năm, người ta sẽ thường nghĩ đến lễ cúng giao thừa đầu tiên. Đây là một nghi thức truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

>>Xem thêm: Giao thừa là gì? Các phong tục đón giao thừa ở Việt Nam

Trong dịp này, mâm cúng giao thừa là điều không thể thiếu và được chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để cúng thần linh, ông bà tổ tiên. Nếu muốn biết mâm cúng giao thừa gồm những gì, bạn có thể tham khảo trong phần dưới đây:

Mâm cúng giao thừa gồm những gì?

Vào dịp cuối năm, nhà nhà ai nấy đều bận rộn chuẩn bị mâm cúng giao thừa cho đêm 30 Tết Âm lịch - thời khắc giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Đây là một phong tục có từ xa xưa của ông bà ta được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn gìn giữ.

Trong đó, mâm cỗ cúng giao thừa sẽ gồm có mâm cúng ngoài trời (cúng các vị thần tiên trong trời đất) và mâm cúng trong nhà (cúng Thổ công, gia tiên). Mỗi mâm cúng với từng vùng miền sẽ được chuẩn bị các món ăn khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu trong phần dưới đây để biết được mâm cúng giao thừa cần chuẩn bị những gì.

Mâm cúng giao thừa ngoài trời

Nghi lễ cúng giao thừa ngoài trời nhằm cúng tiễn vị thần cực vương Hành khiển (vị thần cai quản dưới hạ giới) của năm cũ đi và đón thần mới về.

>>Xem thêm: Cúng giao thừa ngoài trời quay hướng nào là chuẩn nhất

Song song đó, lễ vật trong mâm cúng giao thừa ngoài trời sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế hoặc những sản vật sẵn có của từng địa phương, vùng miền. Thông thường, lễ vật cúng giao thừa ngoài trời sẽ cần chuẩn bị những món ăn như sau:

Các món trong mâm cúng mặn:

- 1 con gà trống tơ luộc ngậm hoa có màu hồng hoặc đỏ (hoặc có những nơi dùng thủ heo)

- 1 khoanh giò lụa

- 1 đĩa bánh chưng

- 1 chén rượu và 1 chén trà

- 1 đĩa ngũ quả (tượng trưng cho Ngũ phúc “Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh”)

Các món trong mâm cúng chay:

- 1 đĩa xôi

- 1 chén rượu và 1 chén nước

- 1 đĩa bánh kẹo

- 1 đĩa ngũ quả

- Nước ngọt/bia

Theo truyền thống của người Việt, tất cả các đồ cúng trong mâm cỗ cúng giao thường cần phải được chuẩn bị và bày biện trên bàn đầy đủ rồi mới đặt ngoài sân trước giờ giao thừa. Vào đúng thời khắc giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn/nến, rót rượu và khấn vái trước án.

Mâm cúng giao thừa trong nhà

Lễ cúng giao thừa trong nhà thường là nghi lễ mời rước ông bà đón Tết cùng các con, các cháu. Chính vì thế, mâm cúng trong nhà luôn được bày trí trên bàn thờ gia tiên chính. Không những thế, đây còn là một lễ cúng Thổ Công - vị thần cai quản trong mỗi gia đình.

Theo đó, mâm cúng trong nhà sẽ có những lễ vật tương tự như mâm cúng ngoài trời nhưng thường sẽ không có sớ cúng quan Hành khiển. Mâm cỗ cúng trong nhà đêm giao thừa sẽ được chuẩn bị khác nhau tùy vào mỗi nơi.

Ngày này có rất nhiều gia đình chuyển sang sinh sống ở trong các căn hộ chung cư cao tầng. Chính vì thế, gia chủ có thể cúng trong nhà và không nhất thiết phải cúng ngoài trời vì nhiều nơi quy định cấm hoặc ảnh hưởng đến hàng xóm.

Song song đó, việc cúng bái vào đêm giao thừa cũng là một cách thể hiện lòng thành tâm của gia chủ với bề trên, ông bà tổ tiên. Do đó, mỗi gia đình nên chuẩn bị thật chu đáo để có thể làm lễ đón năm mới và tạm năm cuối một cách suôn sẻ nhất.

Tùy thuộc vào điều kiện và ý muốn của mỗi gia đình, mâm cỗ cúng trong nhà đêm giao thừa có thể khác nhau. Thông thường, các món được bày biện lên trên mâm cỗ cúng sẽ bao gồm:

- 1 chén móng giò hầm măng

- 1 chén bóng nấu thập cẩm

- 1 chén mọc

- 1 chén miến

-1 đĩa thịt gà luộc

-1 đĩa giò lụa

-1 đĩa nem

-1 đĩa giò xào

-1 đĩa hành muối

-1 đĩa bánh chưng

Đặc biệt, mâm cúng ở khu vực miền Trung hay miền Nam còn có thêm các món ăn gần gũi và thân thuộc với cuộc sống hằng ngày như bánh Tét, gỏi, chả tôm, nem lụi,...

Nếu như bạn là một người ăn chay trường thì cũng có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay. Việc cúng các món chay sẽ thể hiện sự thanh bạch, thanh cao mà bạn muốn dâng lên thần linh, tổ tiên. Về cơ bản, mâm cúng chay giao thừa trong nhà cần có những món ăn như sau:

- 1 đĩa bánh chưng, bánh tét (không nhân thịt)

- 1 đĩa xôi

- 1 cơm, canh chay như nem chay, giò chay, nấm xào thập cẩm, rau xào,...

- 1 đĩa hoa quả

- 1 đĩa bánh mứt kẹo

- 1 chén nước (hoặc trà) và 1 chén rượu

Việc tiến hành chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa ở phòng trọ cũng không khác nhiều so với ở trong nhà riêng. Mâm lễ cúng tại đây có thể không cần “mâm cao cỗ đầy” nhưng cũng không vì thế mà sơ sài, chuẩn bị qua loa. Theo đó, bạn cần chuẩn bị các món ăn cơ bản như sau:

Các món trong mâm cúng miền Bắc:

- 1 con gà luộc

- 1 đĩa bánh chưng

- 1 đĩa xôi

- 1 đĩa giò lụa hoặc chả

- 1 đĩa nem

- 1 đĩa nộm

- 1 đĩa hành muối

- 1 đĩa móng giò hầm măng

- 1 tô canh bóng

- 1 tô miến

- 1 đĩa mọc

Các món trong mâm cúng miền Trung:

- 1 đĩa bánh tét

- 1 đĩa dưa món

- 1 đĩa giò lụa Huế

- 1 đĩa thịt đông

- 1 đĩa gà bóp rau răm

- 1 đĩa thịt heo luộc

- 1 đĩa dưa giá

- 1 tô măng khô ninh

- 1 tô miến

- 1 đĩa ram

- 1 đĩa chả tôm

-1 đĩa nem lụi

Các món trong mâm cúng miền Nam:

- 1 đĩa bánh tét

- 1 tô canh măng tươi

- 1 tô canh mướp đắng nhồi thịt

- 1 đĩa gỏi tôm thịt

- 1 đĩa dưa giá

- 1 đĩa chả giò

- 1 đĩa thịt kho

Nếu phòng trọ của bạn có bàn thờ riêng trong phòng thì có thể bày biện đồ cúng lên trên. Tuy nhiên, bạn có thể dùng một chiếc bàn nhỏ, được lau chùi sạch sẽ để đặt mâm lễ cúng trong trường hợp không có bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, nhà trọ không cần thiết cúng ngoài trời vì nhiều nơi quy định cấm hoặc ảnh hưởng đến hàng xóm.

Mâm cúng giao thừa ông Thần tài

Dù đang sống ở nhà riêng, chung cư hay nhà trọ thì bạn cũng có thể thực hiện nghi lễ cúng Thần tài. Theo dân gian Việt Nam, Thần tài là vị thần cai quản về tiền bạc của gia chủ gắn liền với đời sống kinh tế, buôn bán.

Vì thế, vào thời điểm giao thừa, nghi lễ cúng Thần tài cũng là một việc nên làm với những ai mong muốn có được một năm an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc. Thông thường, gia chủ có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng Thần tài như sau:

- 3 cốc rượu và 3 cốc nước

- 1 chén gạo (phải là gạo tẻ)

- 1 chén muối hạt sạch

- 1 - 2 điếu thuốc lá

- 1 đĩa tam sên (gồm 1 miếng thịt luộc, 3 quả trứng luộc và 3 con tôm)

- 1 đĩa bánh kẹo

- 1 đĩa xôi đậu xanh

- 1 đĩa trầu cau

Cách bày mâm cúng giao thừa

Hiện nay vẫn còn nhiều người lúng túng vì chưa biết bày biện một mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời cho đúng cách như thế nào. Do đó, hãy cùng tham khảo cách bày mâm cúng theo những cách sau đây:

Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời

Với cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời, người ta sẽ thường chia ra cách bày mâm cúng mặn và chay, trong đó:

Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời với mâm lễ mặn

Bước 1: Đặt mâm lên một cái bàn chắc chắn và bên dưới mâm cần phải có khăn trải sạch, tinh tươm.

Bước 2: Đặt đĩa gà luộc ở giữa mâm.

Bước 3: Bóc phần lá bánh chưng và không cắt bánh, sau đó đặt bên cạnh đĩa gà luộc.

Bước 4: Đặt một đĩa khoanh cắt thành từng miếng bên cạnh đĩa bánh chưng.

Bước 5: Đặt đĩa ngũ quả sau đĩa gà luộc và bánh chưng.

Bước 6: Đặt vàng mã, trầu cau trên vành mâm.

Bước 7: Đặt chén gạo và muối bên cạnh đĩa hoa quả.

Bước 8: Đặt đèn/nến bên cạnh đĩa hoa quả.

Bước 9: Đặt rượu, trà hoặc nước trước mâm lễ cúng giao thừa.

Bước 10: Đặt mũ cánh chuồn để bên cạnh hoặc phía sau mâm cúng lễ.

Bước 11: Đặt bình hoa cúng bên trái hoặc phải mâm cúng lễ cúng.

Bước 12: Cắm hương đã được châm cháy vào ly gạo hoặc để dưới mâm.

Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời với mâm lễ chay

Bước 1: Chuẩn bị chiếc bàn vững chắc, sau đó trải một tấm vải sạch và đặt mâm lên trên đó.

Bước 2: Đặt đĩa xôi, bánh kẹo vào giữa mâm cúng giao thừa.

Bước 3: Đặt tiền vàng, muối và gạo ở bên cạnh đĩa xôi, đĩa bánh kẹo.

Bước 4: Đặt nước ngọt/bia bên trái mâm lễ cúng.

Bước 5: Đặt rượu, trà hoặc nước ở phía trước mâm lễ.

Bước 6: Đặt đĩa trái cây ở phía sau mâm cúng.

Bước 7: Đặt lọ hoa cúng, mũ cánh chuồn và sớ khấn bên cạnh mâm lễ.

Bước 8: Đặt hương đã được châm cháy xuống mâm hoặc cắm vào ly muối và gạo.

Cách bày mâm cúng giao thừa trong nhà

Để bày mâm cúng giao thừa trong nhà đúng cách và hạn chế phạm phải sai lầm, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

Bước 1: Dọn dẹp và sắp xếp bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, gọn gàng.

Bước 2: Đặt những món ăn mặn được nấu sẵn ở phía trước bàn thờ. (Lưu ý: Gà luộc nên đặt chính giữa mâm lễ cúng)

Bước 3: Đặt đĩa ngũ quả chính giữa và ở phía sau các món ăn mặn.

Bước 4: Đặt rượu, nước hoặc trà ở phía trước đĩa ngũ quả và phía sau các món ăn mặn.

Bước 5: Đặt đèn/nến hai bên trái - phải của bàn thờ.

Bước 6: Đặt một hoặc hai bình hoa cúng ở hai bên của bàn thờ.

Bước 7: Đặt lư hương phía sau đĩa ngũ quả.

Bước 8: Đặt vàng, mã ở bên trái hoặc phải của bàn thờ.

Mâm cúng giao thừa đặt ở đâu? Quay ra hay quay vào?

Bên cạnh việc chuẩn bị mâm cúng như thế nào thì việc đặt mâm cúng giao thừa trong nhà, ngoài trời ở đâu cũng là một trong những điều vô cùng quan trọng để tránh gặp những điều không may mắn trong năm mới.

Theo quan niệm dân gian, các vị thần tiến hành bàn giao tiếp công việc rất khẩn trương nên chỉ có thể ăn vội vàng hoặc đi ngang qua chứng kiến tấm lòng chân thành của gia chủ.

Do đó, với lễ cúng giao thừa ngoài trời, mâm cúng sẽ thường được đặt ở giữa sân nhà để các vị thần dễ dàng nhìn thấy được tấm lòng của gia đình bạn. Trường hợp gia đình nào không có sân nhà thì hãy ưu tiên làm lễ trên sân thượng hoặc ban công.

Với mâm cúng giao thừa trong nhà, đó là mâm cỗ cúng Thổ công, gia tiên nên thường được đặt trên bàn thờ gia đình để thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn đến các vị thần, ông bà tổ tiên trong thời khắc linh thiêng bước sang năm mới.

Khi cúng giao thừa, đầu gà nên quay ra đường để đón ông thần Hành khiển coi việc nhân gian đi qua. Tương truyền rằng mỗi năm Âm lịch có một ông thần Hành khiển, năm nào gặp thần giỏi giang, anh minh và liêm khiết thì hạ giới được nhờ, chẳng hạn như: nông sản được mùa, ít thiên tai, không có bệnh tật,...

Ngược lại, khi gặp phải ông thần lười biếng, kém cỏi, tham lam,... hạ giới sẽ chịu khổ. Vì thế, thần nọ bàn giao công việc cho thần khác mỗi khi kết thúc năm cũ nên việc cúng giao thừa để “tống cựu nghinh tân” và hướng đầu gà quay ra ngoài để đón ông thần mới với nhiều hy vọng, ước nguyện tốt đẹp cho năm sau.

HƯỚNG DẪN CÚNG GIAO THỪA ĐÚNG CÁCH

​​​​​​​ Hướng dẫn cúng giao thừa đúng cách
Hướng dẫn cúng giao thừa đúng cách

Để nghi lễ cúng giao thừa diễn ra trọn vẹn và suôn sẻ nhất, ngoài những món ăn truyền thống thì gia chủ cũng cần chuẩn bị đầy đủ một số các vật phẩm khi cúng đêm giao thừa.

Cúng giao thừa cần những lễ vật gì?

Như đã biết, cúng giao thừa (cúng lễ Trừ tịch) là nghi lễ vô cùng quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, những lễ vật cúng ngoài trời và trong nhà thường sẽ khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu trong phần dưới đây để mâm cúng giao thừa nhà bạn được chuẩn bị một cách đầy đủ, tươm tất nhất.

Cúng giao thừa ngoài trời cần chuẩn bị những gì?

Đối với lễ cúng giao thừa ngoài trời, bạn cần phải chuẩn bị giấy cúng giao thừa, hay còn gọi là bộ đồ thế in hình người. Các thành viên trong gia đình sẽ tương ứng với số lượng bộ đồ thế (cả nam và nữ), sau đó gia chủ sẽ ghi tên của từng thành viên trên đó rồi đặt trên mâm cúng.

Như thường lệ, lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ không cần dùng bát hương mà có thể cắm hướng vào các đồ lễ cúng (có thể là ly gạo). Bên cạnh đó, một số lễ vật khác cũng không kém phần quan trọng mà bạn nên chuẩn bị như sau:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 1 đĩa trầu cau

- 1 bình hoa cúng

- 5 chung trà

- 3 nén hương

- Đèn, nến

- Vàng mã

- Mũ giấy cánh chuồn

- Sớ cúng quan Hành khiển

Cúng giao thừa trong nhà cần chuẩn bị những gì?

Những vật phẩm cúng giao thừa trong nhà sẽ không có mũ giấy cánh chuồn và sớ cúng quan Hành khiển như nghi lễ cúng ngoài trời vì mâm cúng được sẽ bày trí trên bàn thờ chính với ý nghĩa rước ông bà thăm con cháu. Sau đây là các lễ vật cần có đòi hỏi gia chủ phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng và cẩn thận như sau:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 1 đĩa trầu cau

- 1 hoặc 2 bình hoa cúng

- 1 nén hương

- Đèn, nến

- Vàng mã

Cúng giao thừa giờ nào tốt? Nên trước hay sau 12 giờ?

Theo các chuyên gia, nghi lễ cúng đêm giao thừa (hay còn gọi là đêm trừ tịch) năm Quý Mão 2023 nên được tiến hành vào giờ Tý, tức là khoảng thời gian từ 11 giờ đêm (29 hoặc 30 Tết) và kết thúc trước một giờ sáng (mùng một Tết Âm lịch). Lúc này, mọi người đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và cùng nhau quây quần đón Tết.

Thời gian cúng giao thừa này gồm một giờ của năm cũ 2022 và một giờ của năm mới 2023. Đó là thời điểm quan Hành khiển cũ bàn giao lại công việc, đón Quan hành khiển mới nhậm chức. Do đó, việc cúng giao thừa vào khoảng thời gian này sẽ giúp các vị thần có thể chứng giám cho lòng thành kính của gia chủ.

>>Xem thêm: Cúng giao thừa giờ nào tốt? Cúng giao thừa trước 12h được không?

Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?

Theo phong tục tập quán Việt Nam, nghi lễ cúng ngoài trời nên thực hiện trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu”, tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Sau đó, chủ nhà mới tiến hành lễ cúng giao thừa trong nhà.

Quan niệm của dân gian cho rằng việc bàn giao, tiếp quản công việc của các vị thần diễn ra vô cùng khẩn trương nên chỉ có thể ăn vội vàng hoặc đi ngang qua để chứng kiến lòng thành của gia chủ. Chính vì thế, mâm cỗ cúng quan Hành khiển thường đặt ngoài cửa chính, sân vườn.

Hoàn tất việc cúng giao thừa ngoài trời thì gia đình sẽ bắt đầu nghi lễ khấn Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà. Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên, gia chủ đốt đèn nến, thắp hương và thành kính cầu khấn. Đồng thời, các thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ để thành tâm cầu nguyện cùng nhau.

Khi thực hiện đúng thứ tự, lễ cúng mới đầy đủ ý nghĩa và đúng về mặt tâm linh tín ngưỡng. Ngoài ra, lưu ý hãy ưu tiên chọn những nén nhang thẳng và cố định nhang dựng thẳng đứng, không để nghiêng hay xiêu vẹo để thể hiện sự tôn trọng đối với các vị thần cũng như bậc bề trên.

VĂN KHẤN CÚNG GIAO THỪA

Văn khấn cúng giao thừa
Văn khấn cúng giao thừa

Khác với văn khấn ngày tất niên, văn khấn cúng giao thừa như một lời thông cáo của gia chủ với các vị thần, tổ tiên năm mới vừa đến và xin mời các chư vị gia tiên ở lại cùng con cháu ngắm tiết xuân sang.

Trước khi thực hiện nghi thức cúng trong đêm giao thừa, ban cần tham khảo mẫu văn khấn để lời khấn được chính xác và thành tâm nhất. Hãy cùng tham khảo mẫu bài văn khấn cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà theo tập Văn khấn Cổ truyền Việt Nam dưới đây.

Lưu ý: Trước khi tiến hành độc văn khấn cúng giao thừa ngoài trời, bạn cần ăn mặc lịch sự, trang trọng và không nên mặc quần cộc, áo ngắn tay hoặc đồ bị rách để tránh làm phật lòng thần linh.

Người đọc văn khấn cũng cần tắm rửa sạch sẽ để các vị thần cảm nhận được lòng thành tâm của gia đình. Đồng thời, hãy nên đọc với âm lượng vừa đủ, không nên đọc nhỏ tránh cho lời khẩn cầu của gia đình bạn không gửi đến được bề trên.

>>Xem thêm: Bài văn khấn cúng giao thừa ngoài trời

>>Xem thêm: Bài văn khấn cúng giao thừa trong nhà

CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN PHONG TỤC CÚNG GIAO THỪA

Để hiểu hơn về phong tục cúng đêm giao thừa, bạn có thể tham khảo những lễ vật khác nhưng cũng không kém phần quan trọng ngoài những món ăn được chuẩn bị trên mâm cúng sau đây:

Cúng giao thừa xong có hoá vàng không?

Lễ hóa vàng thể hiện lòng biết ơn đến với các vị thần linh, tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và tiễn đưa ông bà về cõi âm. Theo các chuyên gia, bạn không nên thực hiện nghi lễ hóa vàng mã sau khi cúng giao thừa. Tốt nhất là hãy nên để đến mùng ba hoặc đến mùng 10 rồi mới tiến hành lễ cúng này.

Song, ở một vài vùng miền khác, nhiều gia đình thường hóa vàng ngay sau khi đọc xong văn khấn giao thừa với mong muốn các vị thần linh, tổ tiên sẽ nhận được ngay lòng thành của gia chủ.

Lưu ý: Khi hóa vàng, bạn nên thực hiện tại một nơi sạch sẽ, thoáng đãng để không gây ra tình trạng hỏa hoạn. Đặc biệt là cần hóa những lễ vật của thần linh trước khi hóa đến đồ của gia đình. Sau khi kết thúc quá trình hóa vàng thì hãy nên dọn sạch tro hoặc vẩy nước để làm tắt đi ngọn lửa âm ỉ của tro giấy.

Cúng giao thừa đốt mấy cây nhang?

Trong quan niệm dân gian, nhang thơm có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi tổ chức lễ cúng giao thừa, vì nó được coi là cầu nối tâm linh giữa gia chủ với các vị thần linh, tổ tiên.

Thông thường, khi thắp hương lễ cúng giao thừa ngoài trời, người ta thường hay thắp 3 nén hương. Theo đạo Phật, ba nén hương được gọi là Tam Bảo Hương tượng trưng cho bầu trời, mặt đất và con người. Điều này thể hiện lòng thành tâm của gia chủ với mong muốn năm mới sẽ thuận lợi, may mắn và hạnh phúc hơn.

Nếu muốn thắp hương để cúng giao thừa trong nhà, tốt nhất là hãy thắp một nén hương trên bàn thờ. Một nén hương còn được gọi là Bình An Hương với ý nghĩa trong năm mới sẽ được thần linh, tổ tiên phù hợp cho gia đình bình an, may mắn và gặp được nhiều điều cát lành.

Cúng giao thừa gà trống hay mái?

Trong phong tục cúng giao thừa của người Việt Nam thì nhất định không thể thiếu một đĩa gà trống luộc. Sở dĩ nhiều người chọn gà trống làm vật tế lễ thần linh, gia tiên vì người xưa cho rằng gà trống là một con vật quan trọng, báo hiệu điều lành, dữ, đoán định tương lai và đặc biệt đẹp hơn hẳn so với các loại gia cầm khác. Điều này thể hiện qua 5 đức lớn như sau:

- Nhân: Gà trống có thể có đến 20 - 25 con gà mới và có thể có hàng trăm con gà con. Chúng thường kiếm ăn cho đàn gà mái nuôi con nhỏ, nhường mồi cho cả mẹ lẫn con và thậm chí là xả thân bảo vệ khi có chim ác rình rập

- Dũng: Gà trống có mào đẹp, cực nhọn sắc cứng và bộ lông cánh sặc sỡ như áo giáp với dáng oai hùng, hiên ngang

- Trí: Gà trống có mưu trí, chiến thuật và dễ dàng hạ gục đối phương

- Tín nghĩa: Gà trống luôn đứng ở vị trí cao nhất để cất tiếng gáy, khỏe khoắn gọi mặt trời dù cho nắng mưa, bão bùng.

Bên cạnh đó, gà trống thường to lớn hơn so với gà mái, đồng thời trên đầu còn có mão nên khi làm thịt, luộc chính và đặt lên đĩa cũng đẹp mắt hơn, tạo được sự uy nghiêm hơn nhiều so với gà mái. Do đó, gà trống được chọn làm vật phẩm để cúng tế tổ tiên, gia thần.

Đặc biệt là trong lễ cúng giao thừa, gà trống còn ngậm một bông hồng đỏ với ý nghĩa gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời trong ngày đầu tiên của năm mới, từ đó mang lại vận đỏ cho gia chủ. Vì vậy, người ta đặt gà trống quay hướng ra cửa để đón thần Hành khiển mới cũng như rước vận may vào nhà trong đầu năm mới.

Gạo muối cúng giao thừa xong làm gì?

Gạo và muối cũng là những lễ vật thường có trong lễ cúng giao thừa. Khi kết thúc quá trình cúng giao thừa, gia chủ có thể trộn chung gạo và muối này với nhau hoặc có thể rắc riêng từng loại một.

Trong đó, mâm cúng đặt trên bàn thờ sẽ rắc muối gạo vào hai chén nhỏ. Với mâm cúng ngoài trời, bạn cần đem rải thí trước sân và trước bàn cúng để phù hộ cho vong hồn rời đi và không làm phiền gia đình.

Theo cách hiểu khác, việc rải gạo muối là mô phỏng động tác truyền thống văn minh lúa nước - gieo mạ. Đó là một phương thức để ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân khai sinh ra nền văn hóa lúa nước.

Không cúng giao thừa có sao không?

Cúng giao thừa là nghi lễ giúp xua đi những điều không tốt và đón nhiều điều may mắn đến với gia đình. Trường hợp nhà bạn không cúng giao thừa thì sẽ không được thần linh và ông bà tổ tiên chứng giám, sang năm mới mọi việc sẽ không như ý. Do đó, bạn hãy nên cúng giao thừa để mọi sự hanh thông trong năm 2023.

Tác giả bài viết: Mai Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

DỊCH VỤ THIẾT KẾ, XÂY NHÀ, NỘI THẤT
NỔI BẬT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây