Tâm nhà là trọng tâm của mặt bằng ngôi nhà, cũng giống như trọng tâm của một hình đa giác bất kì. Tâm nhà được xác định trên ngôi nhà, chứ không tính trên lô đất.
Khi làm phong thủy, bắt buộc phải xác định được tâm nhà để biết vị trí nào trong nhà tốt, xấu. Nếu tâm nhà xác định sai, sẽ dẫn đến việc bố trí phong thủy sai. Xác định tâm nhà cũng quan trọng như việc phải đo đúng hướng nhà, thì mới làm phong thủy cho căn nhà chuẩn. Có 2 cách tìm tâm nhà phổ biến như sau:
Cách 1: Tìm tâm nhà bằng cách truyền thống. Nếu tâm nhà vuông vức (hình vuông hoặc chữ nhật), tâm nhà là giao điểm 2 đường chéo. Đối với nhà có hình thù gần vuông vức, nếu phần thừa ra ít thì sẽ bỏ đi, nếu phần khuyết ít thì sẽ thêm vào, để cho căn nhà trở thành vuông vức.
Trường hợp ngôi nhà có hình thù đặc biệt, khuyết nhiều, thì sẽ cắt tờ bìa cứng giống hình thù căn nhà. Sau đó dùng cây nhọn thử nghiệm nhiều vị trí, đến khi nào tờ bìa cân bằng thì đó là tâm.
Cách 2: Sử dụng phần mềm trên máy tính. Hiện nay có nhiều phần mềm hỗ trợ tìm tâm nhà rất chính xác. Ví dụ: dùng lệnh region trong autocad để xác định tâm nhà.
>> Xem thêm: Vai trò của Huyền quan (sảnh) trong phong thủy
- Tâm nhà thuộc ngũ hành Thổ. Vậy nên cần tránh những yếu tố có ngũ hành Mộc hoặc Thủy nhiều, vì sẽ làm năng lượng ngũ hành Thổ yếu đi. Cụ thể hơn, cần tránh đặt cây lớn hoặc hồ cá, bể nước, bể bơi ở giữa nhà. Lưu ý điều này chỉ kị khi sự tương quan giữa cây, hoặc hồ nước so với ngôi nhà là đủ lớn. Nếu trồng cây nhỏ, hoặc chỉ là bể cá nhỏ thì sự ảnh hưởng này không đáng kể.
- Một số chuyên gia phong thủy cho rằng, bể chứa nước trên mái cũng nên tránh đè tâm nhà, vì bể nước này chứa thể tích nước lớn.
- Đặc biệt nguy hiểm khi đặt hầm phân (bể tự hoại) tại tâm nhà. Đây không chỉ là nơi chứa nước đơn thuần, mà còn là nơi chứa nước bẩn, nên ảnh hưởng xấu về phong thủy sẽ tăng lên. Tương tự nếu ta đặt phòng vệ sinh ở tâm nhà, mà phòng vệ sinh ẩm ướt, hôi thối, thì ta nên thay đổi ngay vị trí phòng vệ sinh ra chỗ khác, bởi khí uế sẽ dễ lan tỏa ra khắp nhà.
- Ngoài tâm nhà ra, thì nhiều chuyên gia phong thủy cũng lưu tâm đến trục đi ngang tâm nhà, tức đường thẳng đi qua tâm nhà, song song với 2 cạnh bên căn nhà. Đối với trục này, cũng cần tránh đi ngang qua những nơi có uế khí, như phòng vệ sinh, hầm phân, hố ga.
- Tâm nhà không nên có kết cấu kiên cố như cột, trụ, vật nặng đè lên. Việc này chẳng khác nào trái tim ngôi nhà đang bị đè ép, ngôi nhà không thể sống khỏe được.
- Không đặt bếp tại tâm nhà vì năng lượng hỏa khí của bếp dễ lan ra khắp nhà. Về mặt thực tế, bếp đặt giữa nhà dễ làm cho mọi không gian bị ám mùi thức ăn.
- Tâm nhà cần yên tĩnh, không động. Không đi qua lại hoặc sinh hoạt tại tâm nhà. Cầu thang hoặc hành lang hạn chế đặt tại tâm nhà. Trường hợp nhà phố diện tích nhỏ, trục thang bắt buộc ở giữa nhà, thì cố gắng đặt tâm nhà vào giữa 2 vế thang. Vị trí đẹp nhất trong phong thủy để đặt tâm nhà là những khoảng sân trống hoặc ô giếng trời. Trường hợp tâm nhà đặt ở vị trí khác, nếu diện tích tại đó đủ rộng, có thể đặt chậu hoa, kệ thấp, hoặc vật trang trí,… nhằm mục đích tránh đi lại qua nơi này.
Tác giả bài viết: Mai Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn