Hầu hết gian bếp ngày xưa, hoặc vẫn còn vài nơi vùng quê, vùng núi, thường sử dụng bếp nấu bằng các nguyên liệu thiên nhiên như: củi, rơm, than,… vì vậy nhiệt lượng tỏa ra trong khu bếp khi nấu cực kì nhiều.
Nếu đất rộng, bếp được đưa ra hẳn bên ngoài thành công trình riêng biệt, tách với khối nhà chính để tránh gây ảnh hưởng sinh hoạt bên trong nhà. Tuy nhiên, nếu diện tích không cho phép, hoặc vì văn hóa 1 số nơi, bếp vẫn được đặt ở trong nhà.
Nhà ở trước kia nếu có tầng, thì cũng là những tấm ván gỗ mỏng, vì vậy nếu nấu bếp theo cách truyền thống thì phía trên chắc chắn bị nóng, thậm chí dễ xảy ra hỏa hoạn nếu không cẩn thận. Do đó, nếu phòng ngủ tầng trên nằm đè bếp tầng dưới, chắc chắn sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng xấu đến người ngủ trên đó.
Có nhiều người thắc mắc rằng, nếu bếp nấu tỏa nhiệt lượng cao, nhưng thời gian nấu bếp là ban ngày, thời gian ngủ là ban đêm, khi ngủ không cùng lúc với khi nấu thì có bị ảnh hưởng xấu không?
Câu trả lời là có, nếu hiện trạng nhà bạn vẫn dùng bếp truyền thống và sàn trên bằng ván gỗ. Tuy rằng không đun bếp trong lúc ngủ, nhưng hỏa khí lúc nấu vì quá nhiều, nên năng lượng hỏa vẫn còn tồn tại ở đó khi tắt lửa, mà phía bên trên là lớp sàn mỏng, thì ít nhiều nó vẫn ảnh hưởng xấu.
Hỏa của lửa đang nấu, nhìn thấy được là hỏa hậu thiên, còn hỏa khí tồn tại khi lửa không cháy là hỏa tiên thiên. Hỏa tiên thiên có mức độ ảnh hưởng mạnh, không thể xem thường.
Ngày nay, căn bếp đã hoàn toàn lột xác, đó là không gian sang trọng, sạch sẽ. Bếp thay đổi thành bếp gas, bếp từ, bếp điện, nhiệt lượng tỏa ra xung quanh ít hơn hẳn, chưa kể trên bếp còn có thiết bị hút mùi, ngăn khói bay lên trên. Không gian bếp đã ít nóng, lại được gắn thêm quạt, máy lạnh để nơi này dễ chịu hơn.
Đồng thời, giữa bếp và tầng trên còn ngăn cách bởi tấm thạch cao và sàn bê tông. Vậy nên với kiến trúc hiện đại ngày nay, việc hỏa khí của bếp nấu ảnh hưởng đến tầng trên là rất ít và hầu như sẽ không còn khi sự đổi mới về không gian, cải tiến thiết bị nội thất phòng bếp luôn được coi trọng.
Ngoại lệ, vẫn còn vài trường hợp trong nhà ở hiện nay, không đáp ứng được tiêu chuẩn kể trên, cụ thể là: bếp bí, không thông thoáng, gian bếp luôn nóng bức, không có hút mùi, không có trần cách nhiệt, khoảng cách từ bếp đến sàn tầng trên gần,… khi đó tác động xấu của bếp đối với phòng ngủ tầng trên là vẫn còn.
Vậy nên phải hiểu rõ từng gian bếp, từng cách sinh hoạt, mới có thể nhận định được quan niệm này có ảnh hưởng xấu không, ảnh hưởng ít hay nhiều.
- Phòng ngủ đặt trên bếp nấu (không tính tủ lạnh, bồn rửa) là điều khó tránh khỏi, nhất là đối với kiến trúc nhà phố có diện tích hạn hẹp. Ta không thể né được phòng ngủ đè bếp thì né vị trí đặt giường, đặc biệt là né đầu giường nằm trên bếp nấu. Nếu không thay đổi được vị trí giường, thì cố gắng thay đổi vị trí đặt bếp. Miễn sao bếp nấu và giường ngủ không cùng một trục thẳng thì không đáng ngại, đây cũng là cách hóa giải triệt để nhất.
Trường hợp nếu giường ngủ đè bếp nhưng cách một tầng (bếp ở tầng 1, còn giường ngủ ở tầng 3 trở lên), thì không còn xấu nữa. Lưu ý, giường ngủ dù ở tầng nào, cũng phải tránh vị trí thờ ông táo bên dưới vì nằm phía trên chỗ thờ cúng là đại kị.
- Nếu không thay đổi được vị trí giường và bếp, thì rải một lớp đá thạch anh (ngũ hành Thổ) dưới giường ngủ, để ngũ hành Hỏa của bếp sinh Thổ sẽ yếu đi. Ngoài ra, đá thạch anh còn có tác dụng khử bức xạ, tăng cường năng lượng tích cực, giảm căng thẳng, đem lại cảm giác thoải mái giúp giấc ngủ sâu hơn.
Tác giả bài viết: Vượng Phùng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn