Nhà ngõ nhỏ là căn nhà có đường phía trước hẹp. Tương tự như nhà hẻm cụt, phong thủy nhà hẻm nhỏ không được đánh giá cao bởi quan niệm cho rằng hẻm nhỏ không tạo được nhiều nguồn sinh khí dồi dào vào trong nhà.
Nhà hẻm cụt là căn nhà cuối hẻm. Phong thủy cho rằng, những căn nhà này dễ bị “bế khí”, dòng khí vào nhà yếu hơn so với các căn nhà đầu hẻm hoặc giữa hẻm.
Về mặt thực tế, những nhà này tất nhiên sẽ xấu về cách tiếp cận, khó khăn khi kinh doanh, bất lợi về điều kiện lấy sáng lấy gió, gặp trở ngại khi thi công xây dựng, bị hạn chế tầm nhìn, mỗi khi dắt xe ra vào dễ gặp nguy hiểm,…Nhưng một vài tình huống đặc biệt, những ngôi nhà này lại thích hợp cho những người mong muốn sự yên tĩnh trong đô thị, ngoài ra đây luôn là những phân khúc bất động sản ưa thích đối với người có mức thu nhập trung bình.
Về phong thủy, những dạng nhà này đa số bị thiệt thòi về sự lưu chuyển của dòng khí. Tuy nhiên, không hẳn cứ hẻm cụt và hẻm nhỏ là đều có dòng khí yếu.Việc này cần được khảo sát, kiểm tra ở từng trường hợp cụ thể vì có thể là hẻm cụt, hẻm nhỏ, nhưng có thể phía trước căn nhà là khoảng sân lớn, đất trống,…thì khí vào nhà vẫn có thể mạnh như thường.
Đối với trường hợp dòng khí vào nhà là yếu thật, cũng chưa thể vội kết luận phong thủy xấu, mà cần phải xét kĩ rằng: tuy là khí yếu nhưng là khí tốt yếu hay khí xấu yếu. Nếu là khí tốt yếu, thì chỉ cần làm khí mạnh hơn. Còn nếu là khí xấu yếu, thì cái xấu cũng không quá dồn dập, liên tục. Kiểu nhà này đúng nghĩa là “lành ít dữ ít” chứ không phải “lành ít dữ nhiều” như quan niệm. Vậy nên khi ở nhà hẻm cụt, hẻm nhỏ, phong thủy ít có biến cố, hiếm có hiện tượng rất tốt hoặc rất xấu, điều này có thể phù hợp với những người muốn chọn sự an toàn, nhẹ nhàng.
Việc đầu tiên cần làm để tăng thêm dòng khí cho nhà hẻm nhỏ, hẻm cụt là phải nhận định được khí vào nhà tốt hay xấu. Nếu là khí tốt thì mới kích hoạt tăng thêm, còn là khí xấu thì không nên dùng phương pháp này vì sẽ khiến cái xấu bùng thêm lên.
- Luôn giữ gìn nhà phía trước sạch sẽ, thoáng đãng, để đảm bảo rằng khí vào nhà luôn được trong lành.
- Thông gió trong nhà tốt, có đường gió vào và có đường gió ra. Nên tạo sân sau, giếng trời để làm các lỗ hút gió vào nhà, như vậy dòng khí sẽ luân chuyển thường xuyên.
- Vị trí mở cổng rào cũng rất quan trọng, nó có thể nhân đôi dòng khí vào nhà. Dòng khí này ngoài việc là khí tốt ra, còn cần phải thuần khí với khí vào cửa chính. Ví như cửa chính nhà bạn đã có mùi nước hoa, thì khí vào cổng cũng nên là mùi nước hoa đó, chứ không thể trộn lẫn mùi thơm của thức ăn, như vậy sẽ bị “loạn khí” hay “tạp khí”.
- Phía trước nhà tạo hồ nước, hồ cá, thác nước,… nước phải sạch, có tính lưu chuyển thì mới hiệu quả. Khi dùng cách này, bạn cần phải tính toán vị trí đó có sao hướng tốt không và phương vị đó phải đảm bảo rằng đang cần khí chuyển động. Ngoài ra, còn cần phải cân nhắc thêm nơi đó có cần ngũ hành Thủy hay không.
- Nếu có điều kiện về diện tích nên lùi nhà vào để tạo “Minh Đường” rộng rãi. Khi khoảng sân trước đủ rộng, thì nơi này nên tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, để kích thích thêm năng lượng tốt.
- Trang trí màu sắc, vật liệu, hình khối, vật phẩm phong thủy,… cũng là những cách tăng thêm vượng khí cho ngôi nhà. Phải biết được khí trước nhà cần ngũ hành gì để dùng ngũ hành hỗ trợ khí mạnh hơn. Ví dụ: phía trước có sao 8-8 trong Huyền Không, lại là du niên Thiên Y trong Bát Trạch, đây đều là những dòng khí tốt có ngũ hành Thổ. Để ngũ hành Thổ này mạnh hơn, có thể trang trí màu nâu, vàng, hình vuông, đá thạch anh hồng,…
Tác giả bài viết: Mai Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn